Luật làm thơ Tiếng Việt

THƠ THẤT NGÔN BÁT CÚ ĐƯỜNG LUẬT VẦN BẰNG

Thơ thất ngôn bát cú là loại thơ mỗi bài có 8 câu và mỗi câu 7 chữ, tức là chỉ có 56 chữ trong một bài thơ thất ngôn bát cú.
Thơ thất ngôn bát cú có thể được làm theo hai luật: luật bằng và luật trắc. Về vần thì có hai loại: vần bằng và vần trắc.
Tuy nhiên, các thi nhân thường hay làm theo vần bằng, tức là luật bằng vần bằng và luật trắc vần bằng.

1. LUẬT BẰNG VẦN BẰNG:
– Luật bằng vần bằng là bài thơ mà tiếng thứ hai của câu đầu là tiếng bằng và các tiếng ở cuối các câu 1-2-4-6-8 phải vần với nhau và đều là vần bằng.

2. LUẬT TRẮC VẦN BẰNG:
– Luật trắc vần bằng là bài thơ mà tiếng thứ hai của câu đầu là tiếng trắc và các tiếng ở cuối các câu 1-2-4-6-8 phải vần với nhau và phải là vần bằng.

BỐ CỤC BÀI THƠ BÁT CÚ:
– Câu số 1 dùng để mở bài (gọi là phá đề), câu số 2 dùng để chuyển tiếp vào bài (gọi là thừa đề). Hai câu này có tên là hai câu đề.
– Hai câu 3 và 4 dùng để giải thích đề tài cho rõ ràng. Hai câu này có tên là hai câu trạng (có nơi gọi thuật hay thực).
– Hai câu 5 và 6 dùng để bàn rộng nghĩa đề tài và được gọi là hai câu luận.
– Hai câu 7 và 8 dùng để tóm ý nghĩa cả bài và được gọi là hai câu kết.

– Bài thơ Thất Ngôn Bát Cú có thể ngắt thành 4 bài thơ Tứ Tuyệt theo 4 cách như sau:

+ Bài 1: 4 câu đầu (1-4).
+ Bài 2: 4 câu cuối (5-8 ).
+ Bài 3: 4 câu giữa (3-6).
+ Bài 4: 2 câu đầu (1-2) và 2 câu cuối (7-8 ).

Sau đây là bảng luật thơ:

Ghi chú: TRẮC ký hiệu T hoăc t; BẰNG ký hiệu B hoặc b

1. LUẬT BẰNG VẦN BẰNG:

B – B – T – T – T – B – B (vần)
T – T – B – B – T – T – B (vần)
T – T – B – B – B – T – T (đối câu 4)
B – B – T – T – T – B – B (vần) (đối câu 3)
B – B – T – T – B – B – T (đối câu 6)
T – T – B – B – T – T- B (vần) (đối câu 5)
T – T – B – B – B – T – T
B – B – T – T – T – B – B (vần)

Bài thơ thí dụ: TRUNG THU

Trăng thu toả sáng nhớ xa xăm
Tháng tám chờ trông đến bữa rằm
Mẹ dán lồng đèn chơi suốt sáng
Cha làm trống ếch đánh quanh năm
Xa rồi cảnh cũ lòng se lạnh
Tiếc mãi ngày xưa lệ ướt dầm
Chiếc lá chao mình trong gió sớm
Nghe chừng vọng lại thoáng dư âm

Hoàng Thứ Lang

2. LUẬT TRẮC VẦN BẰNG:

T – T – B – B – T – T – B (vần)
B – B – T – T – T – B – B (vần)
B – B – T – T – B – B – T (đối câu 4)
T – T – B – B – T – T – B (vần) (đối câu 3)
T – T – B – B – B – T – T (đối câu 6)
B – B – T – T – T – B – B (vần) (đối câu 5)
B – B – T – T – B – B – T
T – T – B – B – T – T – B (vần)

Bài thơ thí dụ: TRĂNG THỀ VƯỜN THÚY

Xót phận hồng nhan một Thúy Kiều
Trâm thề quạt ước lỗi hương yêu
Thanh lâu lịm kín đời xuân sắc
Kỷ viện vùi sâu nét diễm kiều
Gió Sở không vơi niềm tịch mịch
Mưa Tần chẳng bớt nỗi cô liêu
Xa xôi cách trở Kim lang hỡi
Có thấu lòng em tủi hận nhiều

Hoàng Thứ Lang

Ghi chú: Trên đây là bản chính luật (sẽ có bảng luật bất luận sau). Mới đầu chúng ta nên cố gắng giữ theo chính luật để âm điệu bài thơ được hay. Tuy có bị gò bó nhưng sau nầy sẽ dễ cho chúng ta hơn (trước khó sau dễ).

Sau đây là Bảng Luật Bất Luận:

1. LUẬT TRẮC:

t – T – b – B – T – T – B
b – B – t – T – T – B – B
b – B – t – T – B – B – T
t – T – b – B – T – T – B
t – T – b – B – B – T – T
b – B – t – T – T – B – B
b – B – t – T – B – B – T
t – T – b – B – T – T – B

2. LUẬT BẰNG:

b – B – t – T – T – B – B
t – T – b – B – T – T – B
t – T – b – B – B – T – T
b – B – t – T – T – B – B
b – B – t – T – B – B – T
t – T – b – B – T – T- B
t – T – b – B – B – T – T
b – B – t – T – T – B – B

Ghi chú: chữ b-t là không cần giữ đúng luật, chữ B-T là bắt buộc phải giữ đúng luật.

Ngoài ra Thơ Đường Luật là loại thơ “Độc Vận”, nghĩa là chỉ gieo một âm vần duy nhất xuyên suốt cả bài thơ, không nên chen lẫn vào dù chỉ một âm vần khác, hay dở là ở chỗ nầy. Tóm lại Thơ Đường Luật nên gieo vần theo Chính Vận mà không nên dùng Thông Vận, vì toàn bài thơ chỉ có 5 vần thôi, đâu đến đổi khó tìm. Tuy nhiên trong những trường hợp bất khả kháng, người làm thơ vẫn có thể được phép dùng thông vận, nhưng càng ít càng tốt.

Hoàng Thứ Lang

Sài Gòn 26/06/2012
Trần Văn Túc

HƯỚNG DẪN LÀM THƠ – Phần 5 (thơ Thất ngôn tứ tuyệt)
đăng 09:03 12 thg 6, 2016 bởi Bạc Liêu [ đã cập nhật 17:53 12 thg 6, 2016 ] THƠ TỨ TUYỆT

Thơ tứ tuyệt đã có từ lâu, trước khi có thơ thất ngôn và ngũ ngôn bát cú. Đầu tiên, thơ tứ tuyệt có nghĩa khác với nghĩa hiện tại: “tứ” là bốn và “tuyệt” có nghĩa là tuyệt diệu. Bài thơ chỉ có 4 câu mà diễn tả đầy đủ ý nghĩa của tác giả muốn trình bày nên người ta mới gọi 4 câu thơ đó là tứ tuyệt.
Tuy nhiên, sau khi có thơ thất ngôn và ngũ ngôn bát cú (luật thi) vào đời nhà Đường, thì thơ tứ tuyệt lại phải được làm theo quy tắc về niêm, vần, luật, đối của lối thơ thất ngôn hay ngũ ngôn bát cú. Vì vậy, sau nầy người ta giải thích chữ “tuyệt” là ngắt hay dứt. Nghĩa là thơ tứ tuyệt là do người ta làm theo cách ngắt lấy 4 câu trong bài bát cú để làm ra bài tứ tuyệt. Do đó niêm, vần, luật, đối của bài tứ tuyệt phải tùy theo cách ngắt từ bài bát cú mà thành.
Thơ tứ tuyệt có 2 thể là luật trắc vần bằng và luật bằng vần bằng.
Mỗi thể đều có một Bảng Luật coi như “công thức” căn bản mà người làm thơ phải tuân theo.

Ghi chú: TRẮC ký hiệu T hoăc t; BẰNG ký hiệu B hoặc b

BÀI I

1. TỨ TUYỆT LUẬT TRẮC VẦN BẰNG – 3 VẦN (không đối)

BẢNG LUẬT:

T – T – B – B – T – T – B (vần)
B – B – T – T – T – B – B (vần)
B – B – T – T – B – B – T
T – T – B – B – T – T – B (vần)
Các chữ cuối của các câu 1-2-4 bắt buộc phải cùng vần với nhau.

Bài thơ thí dụ để minh họa:

Thuở ấy tuy còn tuổi ấu thơ
Mà sao vẫn nhớ đến bây giờ
Xuân về nũng nịu đòi mua pháo
Để đón giao thừa thỏa ước mơ

Hoàng Thứ Lang

2. TỨ TUYỆT LUẬT BẰNG VẦN BẰNG – 3 VẦN (không đối)

BẢNG LUẬT:

B – B – T – T – T – B – B (vần)
T – T – B – B – T – T – B (vần)
T – T – B – B – B – T – T
B – B – T – T – T – B – B (vần)
Các chữ cuối của các câu 1-2-4 bắt buộc phải cùng vần với nhau.

Bài thơ thí dụ để minh họa:

Đôi mình cách biển lại ngăn sông
Dõi mắt tìm nhau nhỏ lệ hồng
Ngắm ánh trăng thề thương kỷ niệm
Đêm trường thổn thức nhớ mênh mông

Hoàng Thứ Lang

Ghi chú: Trên đây là bản chính luật (sẽ có bảng luật bất luận sau). Mới đầu chúng ta nên cố gắng giữ theo chính luật để âm điệu bài thơ được hay. Tuy có bị gò bó nhưng sau nầy sẽ dễ cho chúng ta hơn (trước khó sau dễ).

Sau đây là Bảng Luật Bất Luận:

1. LUẬT TRẮC:

t – T – b – B – T – T – B (vần)
b – B – t – T – T – B – B (vần)
b – B – t – T – B – B – T
t – T – b – B – T – T – B (vần)

2. LUẬT BẰNG:

b – B – t – T – T – B – B (vần)
t – T – b – B – T – T – B (vần)
t – T – b – B – B – T – T
b – B – t – T – T – B – B (vần)

Ghi chú: chữ b-t là không cần giữ đúng luật, chữ B-T là bắt buộc phải giữ đúng luật.

BÀI II

1. TỨ TUYỆT LUẬT TRẮC VẦN BẰNG – 2 VẦN (không đối)

BẢNG LUẬT:

T – T – B – B – B – T – T
B – B – T – T – T – B – B (vần)
B – B – T – T – B – B – T
T – T – B – B – T – T – B (vần)
Các tiếng cuối của các câu 2 và 4 bắt buộc phải cùng vần với nhau.

Bài thơ thí dụ để minh họa:

Xác pháo còn vương màu mực tím
Thư tình vẫn thắm chữ yêu thương
Nhưng ai lại nỡ quên thề ước
Nước mắt nào vơi nỗi đoạn trường

Hoàng Thứ Lang

2. TỨ TUYỆT LUẬT BẰNG VẦN BẰNG – 2 VẦN (không đối)

BẢNG LUẬT:

B – B – T – T – B – B – T
T – T – B – B – T – T – B (vần)
T – T – B – B – B – T – T
B – B – T – T – T – B – B (vần)
Các tiếng cuối của các câu 2 và 4 bắt buộc phải cùng vần với nhau.

Bài thơ thí dụ để minh họa:

Trên sông khói sóng buồn hiu hắt
Dõi mắt phương trời nhớ cố hương
Trắng xóa màn sương trời chớm lạnh
Thương ai khắc khoải đoạn can trường

Hoàng Thứ Lang

Ghi chú: Trên đây là bản chính luật (sẽ có bảng luật bất luận sau). Mới đầu chúng ta nên cố gắng giữ theo chính luật để âm điệu bài thơ được hay. Tuy có bị gò bó nhưng sau nầy sẽ dễ cho chúng ta hơn.

Sau đây là Bảng Luật Bất Luận:

1. LUẬT TRẮC:

t – T – b – B – B – T – T
b – B – t – T – T – B – B (vần)
b – B – t – T – B – B – T
t – T – b – B – T – T – B (vần)

2. LUẬT BẰNG:

b – B – t – T – B – B – T
t – T – b – B – T – T- B (vần)
t – T – b – B – B – T – T
b – B – t – T – T – B – B (vần)

Ghi chú: chữ b-t là không cần giữ đúng luật, chữ B-T là bắt buộc phải giữ đúng luật.

Sài Gòn 12/06/2012
Trần Văn Túc

HƯỚNG DẪN LÀM THƠ – Phần 4 (THƠ 4 chữ và thơ 5 chữ)
đăng 07:39 5 thg 6, 2016 bởi Bạc Liêu [ đã cập nhật 06:34 4 thg 6, 2017 ] I/ THƠ TỨ NGÔN (thơ 4 chữ)

Thơ tứ ngôn là loại thơ có thể gọi là đơn giản nhất bởi vì luật bằng trắc chỉ được áp dụng cho chữ thứ 2 và chữ thứ 4 trong câu mà thôi.

Nếu chữ thứ 2 là bằng thì chữ thứ 4 là trắc và ngược lại nếu chữ thứ 2 là trắc thì chữ thư 4 là bằng.

Cách gieo vần của thể thơ này cũng được chia làm hai loại thường được gọi là cách gieo vần tiếp, và cách gieo vần tréo. Tuy nhiên vẫn còn một cách gieo vần nữa, cách này ít ai dùng đến, là cách gieo vần ba tiếng.

* Ghi chú :
– B : phải là bằng
– T : phải là trắc
– x : bằng hoặc trắc đều được

Cách gieo vần tiếp

x B x T (v1)
x B x T (v1)
x T x B (v2)
x T x B (v2)

Ví dụ:

Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…”

(Trần Đăng Khoa)

Cách gieo vần tréo

x B x T (v1)
x T x B (v2)
x B x T (v1)
x T x B (v2)

Ví dụ:

Bò ơi, bò nghỉ
Sau buổi cày mai
Có gì ngẫm nghĩ
Nhai mãi, nhai hoài…

(Huy Cận)

Cách gieo vần ba tiếng
Ví dụ:

Chuỗi Cười

Lá đổ rào rào,
Trăng vàng xôn xao
Chuỗi cười ha hả,
Trên cánh đồi cao

Khói bỏ tầng không
Lửa dậy trong lòng
Ô hay tráng sĩ
Dừng mãi bên sông

(Hàn Mặc Tử)

II/ THƠ NGŨ NGÔN (thơ 5 chữ)

Cũng giống như thơ 4 chữ, nếu chữ thứ 2 trong câu là bằng thì chữ thứ 4 là trắc và ngược lại. Cách gieo vần của thể thơ này cũng được chia làm hai loại thường được gọi là cách gieo vần ôm, và cách gieo vần tréo.

Cách gieo vần ôm
x B x T x (v1)
x T x B x (v2)
x B x T x (v2)
x T x B x (v1)

Ví dụ :

Em có nghe rừng ca,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá cây già

Cách gieo vần tréo
x B x T x (v1)
x T x B x (v2)
x B x T x (v1)
x T x B x (v2)

Ví dụ :

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.

Cách gieo vần ba tiếng

Ví dụ:

Hôm nay đi chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy
Em vấn đầu soi gương

Nguyễn Nhược Pháp

TP.HCM 05/06/2016
Trần Văn Túc ST

HƯỚNG DẪN LÀM THƠ – Phần 3 THƠ LỤC NGÔN (thơ 6 chữ)
đăng 22:03 3 thg 6, 2016 bởi Bạc Liêu [ đã cập nhật 22:08 3 thg 6, 2016 ] Cách gieo vần
1. Vần tréo

* Ghi chú :
– B : phải là bằng
– T : phải là trắc
– b : nên là bằng, nhưng không bắt buộc
– t : nên là trắc, nhưng không bắt buộc
– x : bằng hoặc trắc đều được

* Bảng Luật :

– Nếu bắt đầu là vần bằng :

x x x T x B
x x x B x T (vần với câu 4)
x x x T x B
x x x B x T (vần với câu 2)
VD:

Mùa thi đã ghé thật gần
Tiếng ve gọi đàn inh ỏi
Hình như cánh phượng bâng khuâng
Có một điều chi ngại nói

– Nếu bắt đầu là vần trắc :
x x x B x T
x x x T x B (vần với câu 4)
x x x B x T
x x x T x B (vần với câu 2)

VD:

Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều
Đỗ Trung Quân

– Nếu 2 vần chéo bắt đầu là vần trắc:
x x x B x T (vần với câu 3)
x x x T x B (vần với câu 4)
x x x B x T (vần với cầu 1)
x x x T x B (vần với câu 2)
VD:

Đã bao lần rồi nắng hỏi
Xa mây từ độ thu nào
Ngập ngừng gió buồn chẳng nói
Bờ tre hiểu ý lao xao

– Nếu 2 vần chéo bắt đầu là vần bằng:
x x x T x B (vần với câu 3)
x x x B x T (vần với câu 4)
x x x T x B (vần với câu 1)
x x x B x T (vần với câu 2)
VD:

Đường mây lối gió mịt mùng
Chân đi mà lòng nhung nhớ
Biển trời sương khói mênh mông
Cô liêu trong chiều nhơ nhớ

2. Vần ôm

* Bảng Luật :

x t x B x T (vần câu 4)
x b x T x B (vần câu 3)
x b x T x B (vần câu 2)
x t x B x T (vần câu 1)

VD:
Mới thấy mùa xuân chớm ngõ
Sao giờ nắng hạ đã sang
Chiều thu ai nhặt lá vàng
Xin hãy về cùng ngọn gió
(TK)

Hoặc:

x b x T x B (vần câu 4)
x t x B x T (vần câu 3)
x t x B x T (vần câu2)
x b x T x B (vần câu 1)

VD:
Tóc ba giờ đã bạc rồi
Trán mẹ vết nhăn đã rõ
Ước vọng đôi điều này nọ
Sao mà vẫn thấy xa xôi

3. Ba vần

* Bảng Luật :

– Nếu bắt đầu là vần bằng :
x x x T x B (vần)
x x x T x B (vần)
x x x B x T
x x x T x B (vần )
VD:

Kìa xuân mơ ước lại về
Mai đào khoe sắc say mê
Lại một mùa hoa lỗi hẹn
Lòng ta trăn trở bộn bề

– Nếu bắt đầu là vần trắc :
x x x B x T (vần)
x x x B x T (vần)
x x x T x B
x x x B x T (vần)

VD:

Tình đầu gửi cho anh đó
Chờ hồi âm mà chẳng có
Thôi đành gỡ bỏ tình xưa
Chia tay anh cho đỡ khổ

TP.HCM 04/06/2016
TrầnVăn Túc ST

HƯỚNG DẪN LÀM THƠ – Phần 2 THƠ BÁT NGÔN (thơ 8 chữ)
đăng 19:08 2 thg 6, 2016 bởi Bạc Liêu [ đã cập nhật 03:29 3 thg 6, 2016 ] Bát Ngôn là thể thơ tám chữ, tức là mỗi dòng trong đoạn thơ sẽ có tám chữ.Làm thơ Bát ngôn dễ dàng hơn những thể thơ khác rất nhiều vì không bị luật thơ gò bó như những thể loại khác:

Câu đầu tiên của bài thơ thì có thể tự do mà làm, vì không phải theo khuôn khổ nào hết.

Câu hai và ba thì chữ cuối của câu hai và câu ba phải theo cùng vần là trắc trắc, hoặc bằng bằng, cứ hai cặp trắc lại đến hai cặp bằng cho đến hết bài thơ.

Câu cuối cùng cũng tương tự câu đầu. không cần phải vần với câu nào hết, nhưng nếu chữ cuối của câu cuối có thể vần với chữ cuối câu đầu thì sẽ hay hơn.

Vì Bát ngôn không có quá gò bó, từ ngữ bạn dùng sẽ làm bài thơ trở nên hay hơn, chỉ cần uốn nắn, uyển chuyển dùng từ sẽ tạo ra một bài thơ thật hấp dẫn.

Luật bằng trắc

Thường thì trong câu để có âm điệu du dương hễ chữ cuối có thanh trắc thì chữ thứ 3 trắc, chữ thứ 5 và 6 bằng; chữ cuối có thanh bằng thì chữ thứ 3 bằng, chữ thứ 5 và 6 trắc.

* Chữ cuối có thanh trắc thì chữ thứ ba là thanh trắc, thứ năm hoặc sáu là thanh bằng:

Ngắt câu chữ thứ 5 : x x T (b) B x x T VD: Ta nghe rõ con thuyền trôi phấp phới
Ngắt câu chữ thứ 6 : x x T x (b) B x T VD: Vòm nho nhỏ còn ghi thương nhớ cũ
* Chữ cuối có thanh bằng thì chữ thứ ba là thanh bằng, chữ thứ năm hoặc sáu là thanh trắc:

Ngắt câu chữ thứ 5 : x x B (t) T x x B VD: Lối vào sâu mấy khoá nẻo sau lưng
Ngắt câu chữ thứ 6 : x x B x (t) T x B VD: Lệ chia phôi ngàn thuở đọng lưng chừng

* Ghi chú :
– B : phải là bằng
– T : phải là trắc
– b : nên là bằng, nhưng không bắt buộc
– t : nên là trắc, nhưng không bắt buộc
– x : bằng hoặc trắc đều được

1. Vần liên tiếp

Cứ hai vần bằng rồi đến hai vần trắc, hoặc hai vần trắc rồi đến hai vần bằng. Như vậy:
* Câu 1 vần câu 2, câu 3 vần câu 4 Thí dụ:

Ta nghe rõ con thuyền trôi phấp phới
Non động hoang mang, tình xưa bạn mới
Hoa chờ, tươi: mây đợi, thắm lưng đèo
Suối quanh co bờ đá dựng cheo leo
Sườn bích lập nâng cao trần thạch nhũ
Vòm nho nhỏ còn ghi thương nhớ cũ
Lệ chia phôi ngàn thuở đọng lưng chừng
Lối vào sâu mấy khoá nẻo sau lưng
Khe nước hẹp khép dần sau bánh lái
Đôi bờ gấm chập chờn xê xích lại
Nóc rêu nhung buông rủ sát ngang đầu
Hồn phiêu dao tưởng cõi chiếc thuyền câu
Lách hang đá bay về non nước Tấn
(Đào Nguyên lạc lối – Vũ Hoàng Chương)

* Hoặc là câu 2 vần câu 3, câu 4 vần câu 5. Thí dụ:

Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa
Vội vàng chi, trăng lạnh quá, khách ơi
Đêm nay rằm: yến tiệc sáng trên trời
Khách không ở, lòng em cô độc quá
Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả
Tay em đây mời khách ngả đầu say
Đây rượu nồng. Và hồn của em đây
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử
(Lời kỹ nữ – Xuân Diệu)

2. Vần chéo (Vần gián cách)

Một vần bằng rồi tới một vần trắc. Như vậy, câu 1 vần với câu 3, câu 2 vần với câu 4. Thí dụ:

Đuốc hoa toả, xiêm y càng rực rỡ
Khói trầm dâng, son phấn ngát lây hương.
Da thịt cháy, nhưng còn hơi bỡ ngỡ,
Nấp sau rèm tơ lụa mỏng hơn sương.
(Động phòng hoa chúc – Vũ Hoàng Chương)

3. Vần ôm

Câu 1 vần với câu 4, câu 2 vần câu 3. Thí dụ:

Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng?
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngọt ngào… tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng
(Tuổi mười ba – Nguyên Sa)

Đêm thân ái có muôn hoa hồng nở
Em tới đây tình tự một đôi lời
Hồn phong hương trầm tuổi mộng hai mươi
Ta nói khẽ đủ hai lòng nghe rõ
(Ân tình dạ khúc – Đinh Hùng)

VÍ DỤ CHUNG:

Anh muốn nói dù trời đông giá lạnh
Rét da ngoài khôn sánh rét tim côi
Bàn thiên nhìn mâm quả với chè xôi
Lòng xáo động bồi hồi trong tâm tưởng
Anh muốn nói dù chúng mình đôi hướng
Điệu đàn tơ âm hưởng vẫn rung người
Qua đại dương hoà nhịp sóng trùng khơi
Vượt sa mạc gởi lời muôn khát vọng
(Anh muốn nói – Ái Hoa)

Phân tích:

+ Lạnh và sánh vần với nhau
+ Côi, sôi và hôi vần với nhau
+ Tưởng, hướng và hưởng vần với nhau
+ Người, khơi và lời vần với nhau

TP.HCM 03/06/2016
TrầnVăn Túc

HƯỚNG DẪN LÀM THƠ – Phần 1 : LỤC BÁT VÀ SONG THẤT LỤC BÁT
đăng 08:53 30 thg 5, 2016 bởi Bạc Liêu [ đã cập nhật 19:57 3 thg 4, 2021 ] I/ Thơ lục bát

Lục bát là thể thơ đặc biệt của Việt Nam, mà truyện Kiều là tác phẩm tiêu biểu nhất. Vần thơ lục bát có thể phân tách như sau:

Tiếng thứ 6 của câu lục vần với tiếng thứ 6 của câu bát. Tiếng thứ 8 của câu bát vần với tiếng thứ 6 của câu lục tiếp theo. Trong câu bát, tiếng 6 và 8 tuy cùng vần bình nhưng một tiếng có dấu huyền và một tiếng không có dấu.

2 4 6
bằng trắc bằng
2 4 6 8
bằng trắc bằng bằng

Bảng luật như sau:
Câu lục: + B + T + B
Câu bát: + B + T + B + B
(Ký hiệu: B là thanh bằng, T là thanh trắc, + là tự do.)

Ví dụ:

Thôn đoài ngồi nhớ thôn Ðông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Nguyễn Bính

Bỗng dưng buồn bã không gian
Mây bay lũng thấp giăng màn âm u
Nai cao gót lẫn trong mù
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về.

Huy Cận

Có hai ngoại lệ trong thơ lục bát:

1. Tiếng thứ 2 câu lục có thể là trắc, khi ấy nhịp thơ ngắt ở giữa câu.

Bảng luật như sau:
Câu lục: + T + T + B
Câu bát: + B + T + B + B

Ví dụ:

Người nách thước, kẻ tay đao
Đầu trâu mặt ngựa, ào ào như sôi.

Nguyễn Du

2. Tiếng cuối câu lục có thể vần với tiếng 4 câu bát, khi đó tiếng 2 và 6 của câu bát sẽ đổi ra trắc. Câu thơ sẽ ngắt nhịp ở giữa câu bát, như trong câu ca dao sau:

Bảng luật như sau:
Câu lục: + B + T + B
Câu bát: + T + B + T + B

Ví dụ:

Đêm nằm gối gấm không êm
Gối lụa không mềm bằng gối tay em.

II/ Thơ song thất lục bát

Đây cũng là một thể thơ đặc thù của VN, gồm hai câu bảy chữ và hai câu lục bát. Tác phẩm Chinh Phụ Ngâm đã được viết trong thể thơ này. Trong câu thất trên, tiếng thứ 3 là trắc, 5 bình, 7 trắc; trong câu thất dưới, tiếng thứ 3 là bình, 5 trắc, 7 bình. Hai câu lục bát thì theo luật thường lệ. Tiếng cuối câu thất trên vần với tiếng 5 câu thất dưới, tiếng cuối câu thất dưới vần với tiếng cuối câu lục, tiếng cuối câu lục vần với tiếng 6 câu bát. Và tiếng cuối câu bát vần với tiếng 5 của câu thất tiếp theo. Tuy nhiên, tiếng cuối câu bát cũng có thể vần với tiếng 3 câu thất, biến tiếng này đổi sang vần bình. Do đó, tiếng 3 trong câu thất trên có thể là trắc hay bằng.

3 5 7
trắc/bằng bằng trắc
3 5 7
bằng trắc bằng

Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt, (tiếng thứ 3 là trắc)
Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
Thành liền mong tiến bệ rồng,
Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời.

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa, (tiếng thứ 3 là bằng)
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.
Giã nhà đeo bức chiến bào,
Thét roi cầu Vị, ào ào gió thu.

Đặng Trần Côn

Vài Nét Về Niêm Luật:

Đây là thể thơ độc đáo của Việt Nam. Thể thơ Song Thất Lục Bát kết hợp uyển chuyển giữa loại thơ 7 chữ và lục bát. Gồm nhiều đoạn, mỗi đoạn bắt đầu bằng hai câu 7 chữ, rồi đến câu 6 chữ xong đến câu 8 chữ; cứ như thế mà tiếp tục ngắn dài tùy ý miễn sao là bội số của 4. Chẳng hạn 4, 8, 12, 16, 24, 32,… câụ

QUY TẮC CHUNG:
Có thể tóm lược niêm luật của hai đoạn kế nhau, mỗi đoạn 4 câu như sau :

câu 1: x x t x b x T1
câu 2: x x b x T1 x B1
câu 3: x b x t x B1
câu 4: x b x t x B1 x B2

câu 5: x x t x B2 x T2
câu 6: x x b x T2 x B3
câu 7: x b x t x B3
câu 8: x b x t x B3 x B4

với:
x = có thể là bằng hay trắc không bó buộc
b = thanh bằng (ịẹ, không dấu hay dấu huyền)
t = thanh trắc (ịẹ, hỏi, ngã, sắc, nặng)
B = vần thanh bằng
T = vần thanh trắc

TÓM LẠI:

+ Trong 2 câu 7 chữ, chỉ có chữ thứ 3, 5 và 7 cần theo đúng niêm luật.

+ Trong câu 6 chữ, chỉ có chữ thứ 2, 4 và 6 cần theo đúng niêm luật.
+ Trong câu 8 chữ, chỉ có chữ thứ 2, 4, 6 và 8 cần theo đúng niêm luật.
+ Những chữ còn lại có thể chọn thanh bằng hay trắc tùy ý miễn sao đọc lên âm điệu nghe xuôi tai là được.
CÁCH ĐỐI:

Không bắt buộc như trong thơ Đường luật, nhưng có thể áp dụng trong cặp câu 7 chữ. Câu 7 ở trên đối với câu 7 ở dướị

VÀI THÍ DỤ MINH HỌA:

Để dễ hiểu, chúng ta có thể thử phân tích niêm luật của một vài đoạn thơ bên dưới sẽ thấy rõ hơn những điều đã giải thích ở trên.

Thí dụ 1:
Tiết Phụ Ngâm
Thiếp có chồng, chàng ĐÀ hay BIẾT,
Đôi minh châu tha THIẾT còn TRAỌ
Nghĩ tình vương vấn khít KHAO,
Ngọc này thiếp buộc áo ĐÀO thắm TƯƠỊ

Nhà thiếp ở lầu NGOÀI ngự UYỂN,
Chồng thiếp làm lính ĐIỆN Minh QUANG.
Biết chàng lòng sáng như TRĂNG,
Thờ chồng, thiếp nguyện đá VÀNG thủy CHUNG.

Trả minh châu, lệ đôi DÒNG,
Hận không lúc thiếp chưa CHỒNG gặp NHAỤ
Trần Trọng San dịch

Chú thích:
* BIẾt vần với THIẾT (vần trắc # T1)
* TRAO vần với KHAO và ĐÀO (vần bằng # B1)
* TƯƠI vần với NGOÀI (vần bằng # B2)
* UYỂN vần với ĐIỆN (vần trắc # T2)
* QUANG vần với TRĂNG và VÀNG (vần bằng # B3)
* CHUNG vần với DÒNG và CHỒNG (vần bằng # B4)

Chú ý, trong bài thơ này, 2 câu cuối cùng là lục bát. Bài thơ này là một loại biến thể của Song Thất Lục Bát vì không theo đúng quy tắc nêu ở trên.

Thí dụ 2:
Trải vách quế gió vàng hiu HẮT,
Mảnh vũ y lạnh NGẮT như ĐỒNG.
Oán chi những khách tiêu PHÒNG,
Mà xui phận bạc nằm TRONG má ĐÀỌ

Duyên đã may cớ SAO lại RỦỊ
Nghĩ nguồn cơn dở DÓI sao ĐANG.
Vì đâu nên nỗi dở DANG ?
Nghĩ mình mình lại nên THƯƠNG nỗi MÌNH.

Trộm nhớ thủa gây HÌNH tạo HÓA
Vẻ phù dung một ĐÓA khoe TƯƠI
Nhụy hoa chưa mỉm miệng CƯỜI
Gấm nàng Ban đã nhạt MÙI thu DUNG

(trích Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Hầu Ngô Gia Thiều)

Chú thích:
* HẮT vần với NGẮT (vần trắc # T1)
* ĐỒNG vần với PHÒNG và TRONG (vần bằng # B1)
* ĐÀO vần với SAO (vần bằng # B2)
* RỦI vần với DÓI (vần trắc # T2)
* ĐANG vần với DANG và THƯƠNG (vần bằng # B3)
* MÌNH vần với HÌNH (vần bằng # B4)
* HÓA vần với ĐÓA (vần trắc # T3)
* TƯƠI vần với CƯỜI và MÙI (vần bằng # B5)

Thí dụ 3:
Thuở trời đất nổi CƠN gió BỤI,
Khách má hồng nhiều NỖI truân CHUYÊN.
Xanh kia thăm thẳm từng TRÊN,
Vì ai gây dựng cho NÊN nỗi NÀỴ

Trống Trường Thành lung LAY bóng NGUYỆT,
Khói Cam Tuyền mờ MỊT thức MÂỴ
Chín tầng gươm báu trao TAY,
Nửa đêm truyền hịch định NGÀY xuất CHINH.

(trích Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm)

Thí dụ 4:
Chìm đáy nước cá LỜ đờ LẶN
Lửng da trời nhạn NGẨN ngơ SA
Hương trời đắm nguyệt say HOA
Tây Thi mất vía, Hằng NGA giật MÌNH

Câu cẩm tú đàn ANH họ LÝ
Nét đan thanh bậc CHỊ chàng VƯƠNG
Cờ tiên rượu thánh ai ĐANG
Lưu Linh Đế Thích là LÀNG tri ÂM

Cầm điếm nguyệt, phỏng TẦM Tư Mã
Địch lầu thu, đọ GÃ Tiêu LANG
Dẫu mà tay múa, miệng XANG
Thiên tiên cũng ngảnh Nghê THƯỜNG trong TRĂNG

(trích Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Hầu Ngô Gia Thiều)

BÀI TẬP:

Hãy phân tích các Niêm luật và Cách gieo vần trong các ví dụ sau:

Thí dụ 5:
Khi Chàng Còn Chưa
Nhìn lũ trẻ vòng vòng nhạc ngựa
Nghe nhạc mưa trăn trở đất mềm
Theo đôi cánh bướm bay lên
Tà dương vạt nắng phai trên cuối chiều
Nhảy chậm lại em yêu chớ vội
Đời không dài nhạc hội còn dài
Mỗi ngày ta vội như bay
Thăm nhau chiếu lệ chẳng hay đáp lời
Ngày vất vả nghỉ ngơi thoải mái
Nhạc trăm dòng réo mãi trong tâm
Ta quên bẵng bạn bè thân
Coi như họ đã vãng phần xanh rêu
Nhảy chậm lại em yêu chớ vội
Đời không dài, nhạc hội chưa vơi
Khi ta hối hả tới nơi
Kể như phân nửa cuộc vui đã tàn
Khi vội vã lo toan quá sức
Kể như ta vội vứt gói quà
Đến từ tình nghĩa thiết tha
Vứt khi chưa mở xót xa cách gì
Đời đâu phải cuộc thi nước rút
Hãy khoan thai hưởng chút thư nhàn
Lắng nghe câu hát điệu đàn
Trước khi nhạc rứt , khi chàng còn chưạ

Hà Huyền Chi

Thí dụ 6:
Tự Tình Thán
Truyện trần thế trớ trêu, trắc trở
Ta thán than từ thưở trẻ thơ
Thoạt tiên, tấm tức tu tu
Tự tiên tri trước trăm thu tội tình
Trong tiềm thức, thật tình trong trắng
Tính Trời trao: thẳng thắn, tận tâm
Tiền trình tưởng thẳng tắp tăm
Tiếc thay, tích tắc tan tành thảm thê
Thân tiều tụy, tim tê tái thiệt
Thảm thương thêm, thân thuộc thanh trừ
Tiền tài: tam tộc “tiếp thu”
Thế thời thời thế tạ từ tình thâm
Thoạt trông thấy, thâm tâm tơ tưởng
Từng tháng trôi, tăng trưởng từ từ
Tình thầm trùm trọn tâm tư
Tương tư thấm thoát tam thu tính tròn
Trăng tàn tiếp trăng tròn, trăng tận
Thổn thức thầm, thơ thẩn trông trăng
Tình thầm theo tháng thêm tăng
Tâm tình tơi tả, thăng trầm. Tội thay !!
Tỏ tình thẳng tới tai thì thẹn .
Thôi thế thời: tấp tểnh tìm từ
Trải trang tình thắm thành thơ
Từ từ tỏ thực tâm tư tinh tường ……
Thủy tiểu thư thẳng thừng từ tạ
Trái tim ta tơi tả, thảm thương
Tam thu tận tụy tình trường
Tỉnh thời tự thấy tang thương tuôn trào ….
Trái tim ta trót trao Thu Thủy
Tình tan tành, thấy tủi thân ta
Tình, tiền tan tựa trăng tà
Trách Trời táo tợn trêu ta tận tình
Thôi trót thế thất tình tức tưởi
Ta trốn trần, tìm tới thiền tu
Tội tình tích trữ thiên thu
Tạm thời ta trả từ từ thế thôi ….
Truyện tình ta thế thời tận tuyệt
Tựa truyện tình tiểu thuyết tầm thường
Thực tình thì thật thảm thương
Thở than tự thán tình trường thiên thu …..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *